USOIL: Đồ thị ngày
Kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu thô từ Ả-rập Xê-út và Nga đã hỗ trợ thị trường dầu. Giá dầu đã tăng khoảng 3% lên mức cao nhất trong 9 tuần vào ngày thứ Sáu tuần trước – đây là mức tăng 5% so với tuần trước – do lo ngại về nguồn cung và lực mua kỹ thuật lấn át tâm lý lo ngại rằng chính sách tăng lãi suất tiếp diễn có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm vào đầu phiên giao dịch châu Á của ngày thứ Hai do các nhà giao dịch dầu tỏ ra thận trọng trước khi chỉ số CPI của Mỹ và hàng loạt dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố trong tuần này.
Hai nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới – Ả-rập Xê-út và Nga – đã cam kết cắt giảm nguồn cung sâu hơn vào tháng 8. Ả-rập Xê-út sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) sang tháng 8 và Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày. Thay vì cắt giảm sản lượng, Nga sẽ sử dụng dầu thô để sản xuất thêm nhiên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước – theo một nguồn tin chính phủ chia sẻ với Reuters vào thứ Sáu tuần trước.
Việc cắt giảm sản lượng của Ả-rập Xê-út đang giúp giảm bớt tình trạng dư thừa dầu khi kho chứa nổi ngoài khơi cảng Ain Sukhna của Ai Cập ở Biển Đỏ giảm gần một nửa xuống còn 10,5 triệu thùng so với con số giữa tháng 6, theo dữ liệu từ công ty phân tích dầu Vortexa tính đến ngày 7/7.
Các nhà phân tích của JP Morgan cho biết nguồn cung đến từ các nước không nằm trong OPEC+ đã theo kịp nhu cầu toàn cầu, đồng thời bổ sung thêm rằng OPEC+ cần tăng cường cắt giảm thêm 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm bên cạnh mức cắt giảm đã công bố và kéo dài hành động này đến năm 2024.
Báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy mức tiền lương tiếp tục tăng đều đặn và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ. Những yếu tố này có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang tiến hành kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7.
Trong tuần này, các nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát của Mỹ – dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Tư. Tỷ lệ lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái dự kiến là 3% – giảm từ mức 4% của tháng trước. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát lõi dự kiến là 5% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp hơn một chút so với mức 5,3% của tháng 5. Dữ liệu này sẽ có tác động đến cuộc họp tháng 7 của FOMC. Nếu lạm phát lõi tháng 6 vẫn giữ ở mức 5,3%, thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn đáng kể so với tháng trước, Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, dẫn đến lo ngại suy thoái kinh tế và áp lực lên giá dầu.